“Chợ Xuân Ất Tỵ 2025” với các gian hàng đậm chất Tết cổ truyền giới thiệu ẩm thực, cây cảnh, tò he và hình ảnh thầy đồ… được các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam chuẩn bị mang đến giữa kinh đô ánh sáng Paris (Pháp).
Lan tỏa văn hóa truyền thống
Từ những ngày đầu tháng 1/2025, trên fanpage của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF) đã sôi động, rực rỡ không khí Tết cổ truyền của dân tộc với dòng nổi bật: “Chợ Xuân Ất Tỵ 2025 – Tết Việt tưng bừng tại Paris”.
Hình ảnh con giáp năm Ất Tỵ năm 2025 được cách điệu, lồng ghép mang theo nhiều hình ảnh quen thuộc như bánh chưng, bánh tét xanh, mâm ngũ quả, cây nêu, câu đối Tết, tràng pháo…
Đặc biệt, nhiều hoạt động vui Xuân đón Tết sẽ được tổ chức ngay tại Thủ đô Paris. Bên cạnh các gian hàng chợ Xuân giới thiệu các món ăn, cây cảnh, tò he…, còn có hoạt động hoạt động gói bánh chưng, văn nghệ mừng xuân với chủ đề “Xuân – Hạ – Thu – Đông, rồi lại Xuân” dành cho cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế.
Theo anh Thụy, gói bánh chưng là hoạt động góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hoá Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là trải nghiệm thú vị với nhiều người Việt trẻ và các bạn người Pháp, cũng như bạn bè quốc tế tại đây. Còn gì ý nghĩa hơn khi tự tay gói những chiếc bánh chưng, mang về thưởng thức cùng người thân.
Anh Nguyễn Phan Bảo Thụy – Chủ tịch Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Pháp cho biết, hàng năm, Hội tổ chức văn nghệ mừng Xuân nhằm giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là sự kiện được cộng đồng người Việt, đặc biệt các bạn du học sinh mong chờ; là dịp để gặp gỡ, giao lưu kết nối của những người con xa quê.
“Năm nay, chúng tôi tổ chức chợ Xuân nhằm kéo dài không khí ngày hội truyền thống dân tộc và lan tỏa thêm không khí quê nhà ngày Tết. Đồng thời, tạo thêm sự gắn kết, giới thiệu thêm những sản phẩm của các doanh nghiệp, cá nhân, hội đoàn Việt Nam. Chợ Xuân Ất Tỵ 2025 – Tết Việt tưng bừng tại Paris, sẽ diễn ra vào các ngày 18 – 19/1 và 24 – 26/1”, anh Thụy nói.
Để chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt trong năm này, những người Việt trẻ tại Pháp đã dày công chuẩn bị, từ việc thiết kế hoạt động, lựa chọn địa điểm, nhân sự, vận động nguồn lực… Bên cạnh đó là việc bố trí thời gian, bởi thời điểm cộng đồng tổ chức Tết Nguyên đán không trúng vào những ngày nghỉ của Pháp nên, các thành viên đều sắp xếp, tranh thủ để tham gia. Đơn cử, thành viên đội văn nghệ tập trung, luyện tập vài tháng trước Tết để mang đến những tiết mục nhuần nhuyễn, đặc sắc.
“Việc thuê địa điểm cũng khó khăn khi giá cả tại nước sở tại rất cao. Năm nay, chúng tôi được Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp đồng hành và bảo trợ về địa điểm tổ chức là động lực to lớn và giúp sức rất thiết thực”, anh Thụy nói.
Thiêng liêng khoảnh khắc Giao thừa
Bảo Thụy đã học tập, nghiên cứu hơn chục năm ở Pháp và mới một lần đón Tết Nguyên đán bên gia đình ở Việt Nam. Thời điểm Tết cổ truyền của Việt Nam không trùng thời điểm được nghỉ, nên anh cùng Hội tổ chức các hoạt động đón Tết cho cộng đồng người Việt nói chung, thanh niên sinh viên Việt Nam nói riêng, để cùng hướng về nguồn cội.
Anh Thụy chia sẻ, hoạt động tổ chức Tết hằng năm đối với người Việt xa xứ được xem như là sự kiện quan trọng nhất. Đặc biệt là khoảng thời gian một tháng trước Tết, là thời gian háo hức, vui nhộn nhất, bởi mọi người đều trong không khí chờ đón Tết cùng gia đình. Đây là dịp để các bạn thanh niên, sinh viên kết nối, cùng nhau tổ chức sự kiện, cọ xát kỹ năng làm việc nhóm, phát triển đa dạng các kỹ năng.
Các hội đoàn người Việt, các chi hội sinh viên sẽ tổ chức đón Tết vào những ngày cuối tuần khác nhau trong chuỗi hoạt động mừng Xuân, có thể trước Tết một, hai tuần và có khi diễn ra sau Tết.
Bởi, chỉ có những ngày cuối tuần cộng đồng mới có thời gian tổ chức gặp gỡ và tổ chức sự kiện quan trọng ấy. Trong những buổi tổ chức mừng Xuân đón Tết này, bạn bè quốc tế tại Pháp cũng như người Pháp cũng đã khá quen thuộc và cũng biết đến nhiều hơn về văn hoá Việt Nam.
“Tết năm nay, tôi cùng các anh chị em vẫn giữ nguyên nếp sống ngày Tết ở Việt Nam. Chúng tôi cùng nhau cúng trời đất nhân thời khắc Giao thừa, chuyển giao năm mới; đi lễ chùa và thăm hỏi, chúc mừng nhau ngày mồng một Tết. Tuy ngắn hơn về thời gian so với trong nước, nhưng ở xa xứ, cùng nhau giữ gìn và trải qua không khí Tết thật sự ấm áp và khá trọn vẹn”, anh Nguyễn Phan Bảo Thuỵ.
Trong không khí hân hoan đón chào Xuân Ất Tỵ 2025, ngày 11/1, Chi hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Rennes tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tết Cội nguồn”. Đây là một trong những hoạt động sớm của cộng đồng người Việt tại Pháp mừng đón Xuân mới. Chương trình đã mang đến nhiều giai điệu quen thuộc mỗi dịp vui Xuân đón Tết của người Việt.
Theo Tiền phong