Nghiên cứu mới cho thấy, mức sống ở Đức đã suy thoái lớn nhất kể từ Thế chiến 2.
Giá năng lượng tăng vọt khiến tiền lương thực tế ở Đức vào năm 2022 giảm mạnh hơn bất kỳ năm nào kể từ năm 1950.
RT đưa tin, báo cáo do “Diễn đàn vì nền kinh tế mới” công bố hôm 18.3 cho thấy, mức sống năm 2022 của Đức đã suy thoái lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Sự suy giảm này được cho là do những cú sốc năng lượng khiến giá cả tiêu dùng tăng vọt.
Các nhà kinh tế từ tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin nhấn mạnh rằng, sự sụt giảm sản lượng kinh tế của Đức được ghi nhận vào năm 2022 có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự suy giảm ngắn hạn trong đại dịch COVID-19 năm 2020.
Thất bại trong việc bảo vệ ngành công nghiệp của đất nước khỏi sự tăng vọt của giá năng lượng được cho là sẽ biến những năm 2020 thành “một thập kỷ mất mát đối với Đức” – các nhà phân tích cảnh báo, đồng thời gọi cuộc khủng hoảng là “suy thoái kinh tế tồi tệ nhất ở Đức kể từ Thế chiến 2”.
Trong nhiều năm, ngành công nghiệp được đánh giá cao của Đức đã được cung cấp nhiên liệu bằng khí đốt tương đối rẻ của Nga. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Ukraina nổ ra vào năm 2022, Berlin đã chọn từ bỏ khí đốt Nga để chuyển sang sử dụng các giải pháp thay thế đắt tiền hơn, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Theo báo cáo, tiền lương thực tế so với dự báo trước khủng hoảng đã giảm 4% từ tháng 4.2022 đến tháng 3.2023, trong khi sản lượng giảm 4,1%.
Nền kinh tế Đức giảm 0,3% vào năm 2023, theo cơ quan thống kê liên bang Destatis. Tuy nhiên, nước này đã tránh được suy thoái kỹ thuật sau khi số liệu quý hai được điều chỉnh lên mức tăng trưởng 0,1%.
Hai quý tăng trưởng âm liên tiếp được cho là suy thoái kỹ thuật.
Bundesbank, ngân hàng trung ương Đức, gần đây dự báo tăng trưởng 0,4% vào năm 2024. Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính, như hai ngân hàng lớn nhất nước này là Deutsche Bank và Commerzbank, dự đoán GDP của Đức sẽ lại giảm trong năm nay.
Trong khi đó, dự báo gần đây nhất của Ủy ban EU đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu cho thấy, mức tăng GDP dự kiến chỉ 0,8% vào năm 2024, giảm so với dự báo tăng trưởng 1,2% trước đó được đưa ra vào tháng 11 năm ngoái.
Dù kinh tế khó khăn, nhưng Đức là nước phương Tây ủng hộ Ukraina lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ. Cho đến nay, Berlin đã hỗ trợ Kiev 22 tỉ euro (23,7 tỉ USD), bao gồm 17,7 tỉ euro viện trợ quân sự, theo số liệu do Viện Kinh tế Thế giới Kiel tổng hợp.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nếu tính cả viện trợ chuyển qua EU, Đức đã cung cấp tổng cộng 28 tỉ euro cho Ukraina. Đức tiếp tục cam kết sẽ viện trợ Ukraina tổng cộng 7 tỉ euro cho Kiev trong năm nay.
Tuy nhiên, khoản chi này đã làm tổn hại đến khả năng sẵn sàng quân sự của Đức. Một báo cáo của quốc hội được công bố vào tuần trước đã thừa nhận tình trạng thiếu đạn dược, phụ tùng thay thế, xe tăng, tàu và máy bay cũng như lực lượng lao động già đi và bị thu hẹp.
Theo Lao động