Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong nửa năm tới

0
369
Ông Olaf Scholz (phải) và ông Christian Lindner tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Sau cuộc họp kéo dài trong 2 giờ tối 6/11 tại Phủ Thủ tướng, đại diện của 3 đảng tạo nên Chính phủ trung tả của Đức đã tan rã trong bối cảnh Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với bất ổn chính trị trong nước, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu rơi vào suy thoái và tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Ông Olaf Scholz (phải) và ông Christian Lindner tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đại diện 3 đảng trong liên minh cầm quyền gồm Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (thuộc đảng FDP) đưa ra. Ông Christian Lindner đã đề xuất bầu cử sớm, Thủ tướng Olaf Scholz đã từ chối và sa thải ông Lindner.

Trong một thông báo sau đó, lãnh đạo nhóm nghị sĩ FDP tại Quốc hội Christian Dürr cho biết đảng FDP sẽ rút toàn bộ bộ trưởng ra khỏi chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, chính thức chấm dứt liên minh “đèn giao thông” gồm 3 đảng là SPD của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Xanh và đảng FDP, được thành lập vào cuối năm 2021.

Nhận định về vấn đề này, nhà khoa học chính trị người Đức Jana Puglierin cho biết Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6 – 7 tháng. Theo bà Puglierin, thời gian cần thiết để Đức có một chính phủ hoạt động đầy đủ sau khi Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng FDP bị sa thải khỏi liên minh cầm quyền phải mất nửa năm. Xem xét đến nghi thức thông thường cần thiết để thành lập một Chính phủ mới thông qua bầu cử, bà Puglieri dự đoán rằng Đức có thể không có sự lãnh đạo hiệu quả cho đến giữa năm sau.

Theo Hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể do các thành viên Quốc hội liên bang (Hạ viện), hay Thủ tướng đưa ra. Việc giải tán Quốc hội sớm chỉ có thể xảy ra theo một trong hai cách. Trong trường hợp đầu tiên, nếu một ứng cử viên Thủ tướng không giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội – ít nhất 367 ghế trong Hạ viện gồm 733 ghế – thì Tổng thống Đức có thể giải tán Quốc hội. Điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử CHLB Đức.

Trong trường hợp thứ hai, Thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội để xác nhận liệu có còn nhận được đủ sự ủng hộ của Quốc hội hay không. Nếu Thủ tướng không giành được đa số thì có thể chính thức yêu cầu Tổng thống giải tán Quốc hội trong vòng 21 ngày.

Sau khi giải tán Quốc hội, cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và quy trình tổ chức giống như các cuộc tổng tuyển cử thông thường. Cho đến nay, 3 cuộc bầu cử Quốc hội sớm đã được tổ chức tại CHLB Đức, vào các năm 1972, 1983 và 2005.

Theo TTXVN

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here