Đối với nền kinh tế Đức, không có ngành công nghiệp nào quan trọng hơn hơn ô tô và cũng không có nhà sản xuất ô tô nào quan trọng hơn Volkswagen. Những khó khăn của Volkswagen cũng đang được phản ánh trong những rắc rối chung mà Đức đang phải đối mặt.
Bỏ lỡ “thập kỷ vàng”.
Hiện Đức đang vật lộn với một ngành công nghiệp đang suy giảm và một nền kinh tế được dự báo sẽ suy thoái trong năm thứ hai liên tiếp. Ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING chi nhánh tại Đức, cho hay: “Thực tế là Volkswagen, nhà sản xuất ô tô lớn nhất, nhà tuyển dụng công nghiệp lớn nhất nước Đức, không còn loại trừ khả năng đóng cửa nhà máy và sa thải bắt buộc, cho thấy ngành công nghiệp Đức hiện đang khủng hoảng nghiêm trọng như thế nào”.
Các vấn đề ảnh hưởng tới lợi nhuận của thương hiệu cốt lõi Volkswagen như giá nhân công cao, cơ cấu tổ chức cồng kềnh và không theo kịp những tiến bộ của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc phản ánh những vấn đề mà nền kinh tế Đức đang phải đối mặt.
Theo dự báo mới cập nhật của chính phủ Đức, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này sẽ giảm 0,2% trong năm nay, một con số đáng thất vọng so với ước tính trước đó là tăng trưởng 0,3%. Yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới kết quả này là khu vực công nghiệp, vốn đã không phục hồi sau cú sốc của đại dịch Covid-19 và những hạn chế liên quan tới các đòn trừng phạt Nga.
Đức dường như cũng đã mất đi một số ảnh hưởng tại Liên minh châu Âu (EU) khi khu vực này quyết định áp dụng mức thuế cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc – một đối tác thương mại quan trọng của Đức.
Một số nhà kinh tế học đã tìm ra gốc rễ của vấn đề, cả ở Volkswagen và ở Đức nói chung, chính là họ đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tương lai trong thời kỳ mà nhiều người gọi là “thập kỷ vàng”.
Ông Jens Südekum, nhà kinh tế tại Đại học Heinrich Heine ở Düsseldorf, cho biết: “Nền kinh tế Đức từng hoạt động rất tốt và Volkswagen cũng vậy”. Trong hàng thập kỷ, Đức đã duy trì thành tích vượt trội trong các ngành công nghiệp truyền thống trước các đối thủ trên thế giới. Thành công quá mức khiến các nhà đầu tư ít mặn mà trong các lĩnh vực mới. Đầu tư của Đức vào công nghệ thông tin tính theo tỷ lệ GDP chưa bằng 1/2 so với Mỹ hay Pháp.
“Theo một nghĩa nào đó, Đức đã quá thành công và trở nên tự mãn, nghĩ rằng thành công sẽ kéo dài mãi mãi. Và thực tế đã chứng minh rằng điều đó là hoàn toàn sai lầm”, ông Südekum nhận định.
Điều tương tự cũng đã diễn ra với Volkswagen. Tập đoàn đã tích cực xuất khẩu ô tô sử dụng động cơ đốt trong sang châu Âu và Trung Quốc, trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới tính theo doanh số vào năm 2016.
Công ty giữ vị trí đó cho đến năm 2019, bất chấp vụ bê bối về gian lận bất hợp pháp trong các cuộc kiểm tra khí thải ở châu Âu và Mỹ, khiến công ty thiệt hại hơn 31 tỷ euro (khoảng 34,6 tỷ USD).
Volkswagen đã bán được hàng triệu ô tô chạy bằng xăng tại Trung Quốc kể từ những năm 1990. Nhưng họ đã không quá bận tâm tới mối đe dọa từ các thương hiệu Trung Quốc như BYD, Geely và Nio, những công ty tập trung vào việc phát triển xe điện và xây dựng chuỗi cung ứng để hỗ trợ cho các công ty này.
Tập đoàn Volkswagen, sở hữu 10 thương hiệu xe ô tô nổi tiếng (bao gồm Porsche và Audi) đã báo cáo mức giảm 5% trong biên lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2024. Tháng trước, tập đoàn Đức cũng cảnh báo rằng họ có thể phải đóng cửa một nhà máy tại thị trường trong nước do doanh số bán hàng sụt giảm, một việc chưa từng xảy ra trong lịch sử 87 năm của Volkswagen. Nhà sản xuất ô tô Đức cũng đã hủy bỏ cam kết bảo vệ việc làm của người lao động trong nhiều thập kỷ.
Truyền thông Đức mới đây đưa tin rằng có tới 30.000 việc làm có thể bị đe dọa, một con số mà Volkswagen cho đến nay vẫn từ chối xác nhận. Dù vậy, chiến lược này không phải chưa từng diễn ra. Volkswagen đã cho hơn 37.000 nhân viên nghỉ việc từ năm 1971 đến năm 1975, một động thái mà công ty cho là đã giúp xoay chuyển lợi nhuận vào thời điểm đó.
Loạt động thái của Volkswagen đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong lực lượng lao động. Các đại diện của nghiệp đoàn lớn nhất của Đức IG Metall cáo buộc các nhà lãnh đạo của Volkswagen mắc nhiều sai lầm trong quản lý nhóm 10 thương hiệu và đặt lợi nhuận lên trên việc xây dựng tương lai bền vững cho nhà sản xuất.
Nghiệp đoàn đã đưa ra các khiếu nại về quản lý yếu kém đối với các nhà lãnh đạo của Volkswagen, những người đã cố gắng đầu tư hàng tỷ USD trong những năm gần đây để chuyển hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Đức sang xe điện.
Hàng nghìn công nhân của Volkswagen đã tổ chức một cuộc biểu tình vào tháng 9, trước vòng đàm phán tiền lương đầu tiên với các nhà lãnh đạo công ty. Những công nhân này đã thổi còi và đập trống, tuyên bố sẽ bảo vệ 120.000 việc làm tại 6 nhà máy ở Đức và yêu cầu tăng lương 7%.
“Lời cảnh tỉnh cuối cùng” cho nước Đức
Các chính trị gia Đức đã cân nhắc liệu họ có nên can thiệp để hỗ trợ Volkswagen hay không, đặc biệt là khi đất nước đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế. Ngành công nghiệp ô tô tạo ra việc làm cho 773.000 người, chưa kể đến việc làm tại hàng trăm công ty và nhà cung cấp nhỏ hơn.
ZF Friedrichshafen AG, một trong những nhà cung cấp phụ tùng lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, đã tuyên bố trong năm nay rằng họ sẽ cắt giảm tới 14.000 việc làm trong vòng bốn năm, với lý do là nhu cầu về xe điện giảm.
Cuối năm ngoái, chính phủ Đức đột ngột dừng trợ cấp cho xe điện, động thái diễn ra sau khi nước này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân sách khi đã chi 10 tỷ euro (10,89 tỷ USD) cho 2,1 triệu xe điện kể từ năm 2016. Theo phân tích của Liên đoàn Giao thông và Môi trường châu Âu, sự thay đổi đột ngột đã góp phần làm giảm doanh số bán xe điện tại nước này trong nửa đầu năm 2024.
Động thái này không chỉ làm tổn hại đến nhu cầu mà còn khiến khách hàng đặt câu hỏi về tham vọng chung của châu Âu là cấm bán ô tô mới có động cơ đốt trong vào năm 2035.
Cùng lúc đó, EU đang chuẩn bị tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, với mục đích tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà sản xuất ô tô châu Âu, những hãng mà họ cho rằng chưa được hưởng lợi từ số tiền trợ cấp của nhà nước mà các đối tác Trung Quốc nhận được. Nhưng Volkswagen, tập đoàn đầu tư mạnh vào Trung Quốc, và chính phủ Đức phản đối mức thuế này vì lo ngại có thể dẫn đến hành động trả đũa từ Trung Quốc.
Các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng thuế quan có nguy cơ gây tổn hại hơn nữa đến tăng trưởng khi các công ty châu Âu như Volkswagen cần phải nhanh nhẹn và linh hoạt nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh.
“Thế giới đang thay đổi và nguồn tăng trưởng kinh tế của chúng ta cũng đang thay đổi. Những vấn đề của Volkswagen nên là lời cảnh tỉnh cuối cùng để các nhà hoạch định chính sách Đức bắt đầu đầu tư và cải cách để đất nước phát triển”, nhà kinh tế trưởng Carsten Brzeski của ngân hàng ING tại Đức nhận định.
Theo vietnamfinance.vn