Chiêm ngưỡng tòa nhà gỗ ở vành đai Paris

0
19
Tòa nhà Wood Up ở quận 13, Paris. Ảnh: Le Monde

Những ai thường lui tới phía Đông Nam quận 13 của thủ đô Paris, Pháp, khu vực giáp với bờ sông Seine và đường vành đai, không thể không nhận ra Wood Up, tòa nhà gỗ sừng sững hướng ra sông.

Với chiều cao 50m, đây là tòa nhà gỗ cao nhất được xây dựng ở Pháp và có lẽ là tòa nhà cuối cùng thuộc loại này ở Paris, ít nhất cho đến khi PLU còn hiệu lực.

PLU là kế hoạch quy hoạch đô thị địa phương theo thiết kế kiến trúc sinh khí hậu – là thiết kế quy hoạch hoặc kiến trúc công trình phù hợp nhất với điều kiện khí hậu địa phương. Theo đó, giới hạn chiều cao xây dựng được quy định ở mức 37m, từ tháng 11-2024.

Tòa nhà Wood Up ở quận 13, Paris. Ảnh: Le Monde

Tòa tháp khối hộp Wood Up có một khoảng trống lớn ở giữa. Thiết kế này đóng vai trò như một điểm nhấn, phá vỡ hiệu ứng khối lượng và mang đến cho người ở khu vực rộng lớn có mái che.

Việc tòa nhà hiện diện nơi người dân phải chịu cảnh ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí nặng do gần lò đốt rác được ví như hình ảnh ẩn dụ về một chân trời mới để chinh phục.

Theo Báo Le Monde, “đường chân trời” này vừa là đường chân trời của vùng Đại Paris, vừa là sự xóa bỏ đường vành đai mà Thị trưởng Anne Hidalgo mơ ước và là đường chân trời của quy hoạch đô thị phù hợp với mục tiêu phát thải mà thành phố đã đặt ra đến năm 2050, giảm 75% khí nhà kính so với năm 2004.

“Thị trưởng muốn có một tòa nhà mẫu”, ông Umberto Napolitano, kiến ​​trúc sư phụ trách dự án, giải thích. Cùng Benoît Jallon, đối tác của ông tại Công ty LAN và các văn phòng thiết kế, kiến trúc sư Napolitano đã thiết kế dự án như một minh chứng cho tiềm năng của công trình xây dựng bằng gỗ và là động lực thúc đẩy ngành này phát triển ở cấp quốc gia.

Với diện tích 9.000m2, 132 căn hộ, Wood Up là nguyên mẫu hoàn hảo của phát triển bền vững được áp dụng vào kiến ​​trúc. Dự án tập trung tất cả những thứ tưởng chừng rất mâu thuẫn: logic khai thác, sản xuất công nghiệp, tìm kiếm lợi nhuận – những yếu tố chính gây ra cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, nhưng cũng lại là chìa khóa để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Gỗ xây dựng của Pháp và các thanh dầm bằng gỗ sồi được vận chuyển bằng đường sông từ cảng Rouen.

“Việc sử dụng gỗ dán nhiều lớp, hay CLT (một quy trình chế tạo gỗ), là điều gần như không thể tránh khỏi”, bà Margotte Lamouroux, nghiên cứu sinh tiến sĩ và là giáo sư tại Trường Kiến trúc Paris-La Villette, chuyên về kiến ​​trúc gỗ, giải thích. “Chiều cao của dầm gỗ đặc bị giới hạn bởi chiều cao mà cây có thể đạt được trong tự nhiên. Ngược lại, gỗ dán nhiều lớp và CLT có khả năng chịu lực tốt hơn và phù hợp hơn về mặt cấu trúc cho các dự án quy mô lớn, được thiết kế để phục vụ hàng trăm người sử dụng”.

Cấu trúc gỗ của tòa nhà Wood Up được xây dựng trên nền bê tông. Phần lõi của tòa nhà cũng được làm bằng bê tông, cũng như các bức tường chịu lực và sàn nhà (cũng bao gồm một lớp gỗ dày).

Để hạn chế về mặt cấu trúc do đặc tính của vật liệu, các kiến ​​trúc sư đã tạo ra những khoảng không rộng mở thông qua ban công dọc theo các tầng và cửa sổ hình vòm để tận dụng ánh sáng tối đa.

Nhược điểm là tòa nhà bị kẹt giữa 3 trục giao thông chính: bờ sông Seine, đại lộ Maréchaux và đường vành đai, nên sẽ rất ồn và bị ô nhiễm không khí khi mở cửa sổ. Giá thuê cũng khá cao, 10.000 – 15.000 EUR/m2.

Tuy nhiên, theo bà Lamouroux: “Dấu chân carbon không dễ đo lường… Một dự án như Wood Up có ý nghĩa văn hóa quan trọng đối với sự phát triển của ngành… Cũng không nên bỏ qua tác động về mặt hình ảnh. Ở một đất nước như Pháp, nơi có nền văn hóa đá và bê tông rất chắc chắn, khi nhìn thấy tòa nhà này, mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận việc sống trong những tòa nhà gỗ nhỏ hơn nhiều”.

Theo SGGP

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here