Khủng hoảng kinh tế Đức: Từ trụ cột châu Âu đến dấu hiệu suy thoái khó hồi phục

0
256

Suy giảm sản lượng, mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc đã làm xói mòn vị thế của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Kinh tế Đức đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, với những dấu hiệu cho thấy tình hình sẽ không thể đảo ngược. Theo Bloomberg, sau 5 năm trì trệ, nền kinh tế nước này đã suy giảm 5% so với mức tăng trưởng trước đại dịch COVID-19. Những cú sốc cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp ô tô, đang khiến cho phần lớn thâm hụt khó phục hồi.

Dự báo nền kinh tế Đức sẽ suy giảm năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, trở thành nền kinh tế hoạt động yếu nhất trong nhóm các nước G7. Suy giảm khả năng cạnh tranh quốc gia có nghĩa là mỗi hộ gia đình sẽ thiệt hại khoảng 2.500 euro mỗi năm.

Amy Webb, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Viện Tương lai Ngày nay, nhận định rằng: “Đức sẽ không sụp đổ ngay lập tức. Đó là điều khiến kịch bản này trở nên đáng sợ”. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến một công ty hay một thành phố mà là của cả một quốc gia và châu Âu cũng sẽ bị kéo theo.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy thoái này gồm mất nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các hãng xe Trung Quốc. Các công ty Đức như Volkswagen và Mercedes-Benz đang chật vật để duy trì thị phần của mình trong bối cảnh này. Theo dự báo của Bloomberg Economics, phần lớn đà suy giảm sẽ rất khó phục hồi.

Nhiều năm đưa ra những quyết định không hợp lý đã phá hủy mô hình kinh tế của Đức vào thời điểm mà phần còn lại của châu Âu cần sự hỗ trợ từ ngành công nghiệp mạnh mẽ của nước này để ứng phó với những tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Joachim Nagel, Chủ tịch Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức), đã chỉ ra rằng vị thế cạnh tranh của ngành công nghiệp Đức đã xấu đi, đồng thời nhấn mạnh rằng thị trường nước ngoài đang phát triển không tạo ra động lực tăng trưởng như trước đây.

Danh sách các vấn đề ngày càng dài hơn khi tiềm năng tăng trưởng của Đức đã giảm xuống chỉ còn 0,4%. Điều này đồng nghĩa với việc Đức cần phải chi nhiều hơn để lấy lại khả năng cạnh tranh. Bloomberg cho biết để bắt kịp các nền kinh tế phát triển khác, nước này sẽ phải tăng đầu tư hàng năm vào cơ sở hạ tầng và các hàng hóa công cộng khác thêm khoảng 30% lên 160 tỷ euro. Mức tăng này tương đương hơn 1% GDP.

Trong bối cảnh khó khăn này, ngày càng nhiều người Đức rơi vào cảnh nợ nần. Các nhà kinh tế thuộc tổ chức quản lý tài sản Bantleon dự đoán rằng ngành công nghiệp ô tô từng nổi tiếng của nước này sẽ mất thị phần và đẩy nhanh quá trình chuyển sản xuất ra nước ngoài. Trong vòng 10 năm tới, ngành này dự kiến sẽ mất tới 40% giá trị gia tăng. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, khoảng 11.000 công ty Đức tuyên bố phá sản, con số cao nhất trong gần 10 năm qua. Thêm vào đó, tình trạng lạm phát cao và lãi suất tăng cũng làm suy yếu sức mua của người dân.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết nền kinh tế Đức đã không còn tăng trưởng mạnh kể từ năm 2018 do các vấn đề về cơ cấu và những thách thức toàn cầu. Chính phủ Đức đang đề ra gói tăng trưởng gồm 49 biện pháp nhằm giải quyết các thách thức mang tính chu kỳ và cơ cấu, nhưng chưa có giải pháp nào được thực hiện hiệu quả.

Mặc dù tình hình hiện tại rất khó khăn, không phải mọi thứ đều tồi tệ. Đức có tỷ lệ nợ thấp nhất so với bất kỳ quốc gia G7 nào, tạo điều kiện cho nước này có khả năng chi tiêu nếu có ý chí chính trị. Các nhà kinh tế cũng dự đoán nền kinh tế Đức sẽ phục hồi vừa phải trong thời gian tới nếu chính phủ có những chính sách phù hợp.

Tuy nhiên, những vấn đề của nền kinh tế Đức vẫn chưa được chú ý đúng mức. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mà không có biện pháp can thiệp kịp thời, khủng hoảng kinh tế ở Đức có thể trở nên không thể đảo ngược.

Báo Tin tức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here